Mặc dù đời sống của con người ngày càng trở nên hiện đại và văn minh hơn, không còn rơi vào tình cảnh thiếu ăn thiếu mặc như trước đây thế nhưng bệnh tật lại không vì thế mà thuyên giảm, thậm chí số lượng căn bệnh mới, các loại virus mới, số lượng người mắc bệnh không ngừng gia tăng. Một phần nguyên nhân là do chúng ta có chất lượng cuộc sống kém, ăn uống mất cân bằng. Vậy “Mất cân bằng dinh dưỡng là gì? Nguyên nhân, hệ quả và cách phòng ngừa?”, tham khảo bài viết sau của PlansbyAnh để biết thêm chi tiết.
Mục Lục
Mất cân bằng dinh dưỡng là gì? Nguyên nhân, hệ quả và cách phòng ngừa?
Tìm hiểu mất cân bằng dinh dưỡng là gì?
Mất cân bằng dinh dưỡng có phải do thiếu ăn hay không? Khi nói về mất cân bằng dinh dưỡng, chúng ta thường liên tưởng đến hình ảnh của những người gầy yếu, suy nhược cơ thể, trẻ em suy dinh dưỡng và cho rằng mất cân bằng dinh dưỡng là vấn đề của người nghèo, hay của những đất nước nơi mà tình trạng lương thực thực phẩm khó khăn, thiếu kém. Thực ra, hiện tượng mất cân bằng dinh dưỡng xảy ra nhiều hơn với người sống ở các thành phố lớn và các nước phát triển.
Mất cân bằng dinh dưỡng là do chúng ta ăn uống không đầy đủ các thành phần dưỡng chất cần thiết cho cơ thể duy trì hoạt động và phát triển, bao gồm: chất đạm, chất bột đường, chất béo, chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất. Do đó, mất cân bằng dinh dưỡng có thể gặp với cả những người có thân hình to béo, mập mạp mà chúng ta thường gọi là béo phì. Nguyên nhân là do họ ăn uống dựa trên sở thích, ăn quá nhiều một loại chất nào đó, dẫn đến dư thừa năng lượng và được tích trữ dưới dạng mỡ, nhưng lại thiếu các thành phần dinh dưỡng quan trọng khác, chẳng hạn như thích ăn bánh ngọt, chè, kem, nước ngọt, trà sữa,… hay nói cách khác không phải cứ ăn thật nhiều, mập mạp nghĩa là đầy đủ dinh dưỡng.
Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất không những đảm bảo năng lượng cho các hoạt động trong ngày mà còn giúp cơ thể phát triển một cách khỏe mạnh và bền vững.
Nguyên nhân gây mất cân bằng dinh dưỡng?
Điều gì khiến cho tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng phát triển? Nguyên nhân gây mất cân bằng dinh dưỡng chủ yếu đến từ các yếu tố như sau: Môi Trường – Lối Sống và chế độ Dinh Dưỡng nghèo nàn.
- Môi Trường: Sự ô nhiễm môi trường sống bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm khói bụi, hậu quả của các loại hóa chất độc hại trong thực phẩm hàng ngày, khói thuốc lá, khí độc…
- Lối Sống: Cuộc sống vội vã, ăn uống tạm bợ, căng thẳng, thiếu ngủ, lười vận động…
- Dinh Dưỡng: Ăn uống dựa trên sở thích, thiếu cân bằng ví dụ như ăn quá nhiều chất này, ăn không đủ thậm chí bỏ qua chất khác.
Trong số những các nguyên nhân kể trên còn có một nguyên nhân quan trọng hơn cả đó là bản thân người mất cân bằng dinh dưỡng không nhận thức được vấn đề, có thể họ đang cảm thấy cơ thể mình đang ổn, không hề có vấn đề gì cả, hoặc chỉ là một vài dấu hiệu bất thường thì họ cũng xem nhẹ và bỏ qua chúng.
Hệ lụy của mất cân bằng dinh dưỡng?
Mất cân bằng dinh dưỡng nguy hiểm ra sao? Việc mất cân bằng dinh dưỡng kéo dài khiến cho cơ thể con người hoạt động không bình thường, dẫn đến mất cân bằng chuyển hóa (rối loạn), mất cân bằng hormone… Trước tiên, rối loạn sẽ gây ra một số hiện tượng như da xấu, khô, xanh xao, nhợt nhạt, mọc mụn, rụng tóc, gãy móng… Kế đến là gây suy nhược cơ thể, thừa cân béo phì, về lâu dài có thể dẫn tới các bệnh về tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp, gout, ung thư… gồm một nhóm các dấu hiệu của Hội Chứng Chuyển Hóa.
- Hội Chứng Rối Loạn Chuyển Hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường dẫn đến việc không điều chỉnh được tình trạng đề kháng insulin và đường huyết tiếp tục tăng cao.
- Hội Chứng Rối Loạn Chuyển Hóa tăng lượng Cholesterol trong máu và tăng huyết áp, tạo thành các mảng xơ vữa trong thành động mạch, làm cho động mạch bị cứng lên và hẹp lại, dễ dẫn đến đột quỵ tim và não.
Nếu để rơi vào tình trạng rối loạn chuyển hóa thì người mất cân bằng dinh dưỡng sẽ đứng trước các nguy cơ và thách thức lớn, mất nhiều thời gian và sự kiên trì mới có thể khắc phục được các triệu chứng nhằm đưa cơ thể về trạng thái cân bằng.
Tình trạng mất Cân Bằng Chuyển Hóa lâu ngày có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, bao gồm bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường hoặc cao huyết áp.
Cách phòng ngừa tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng?
Muốn tránh tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng cần phải làm gì? Để chủ động phòng ngừa tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, chúng ta cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý với đầy đủ thành phần dinh dưỡng, bao gồm: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất, uống đủ nước,… Đồng thời, hãy lưu ý giúp bản thân và gia đình tránh các chế độ ăn uống mất cân bằng như sau:
- Chế độ ăn quá nhiều chất béo (Lipid): Đặc biệt là chất béo có nguồn gốc từ mỡ động vật, nước hầm xương, bơ động vật,… sẽ làm tăng Cholesterol xấu trong máu, tăng lipid máu gây rối loạn chuyển hóa chất béo – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý về tim mạch.
- Chế độ ăn quá nhiều tinh bột, đường (Carbs): Ăn quá nhiều tinh bột, đường sẽ dẫn đến dư thừa Glucose và do dư thừa nên được tích lũy dưới dạng mỡ, làm tăng lượng đường huyết trong máu, gây rối loạn chuyển hóa Glucose – nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường, béo phì, các bệnh lý về tim mạch. Do đó mà nhiều phương pháp giảm béo luôn khuyến khích hạn chế các chất bột, đường.
- Chế độ ăn quá nhiều chất đạm (Protein): Ăn dư thừa chất đạm làm tăng Acid Uric trong máu, là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gout.
- Chế độ ăn quá nhiều chất khoáng, đặc biệt là muối: Hấp thụ quá nhiều muối qua thói quen ăn mặn, nước chấm sẽ dễ dẫn đến thừa muối, gây nên bệnh huyết áp.
Có phải bạn đang loay hoay với tình trạng thừa cân, béo bụng nhưng chưa tìm ra giải pháp nào thật sự hiệu quả. Tham khảo bài viết này nhé!
Qua nội dung của bài viết “Mất cân bằng dinh dưỡng là gì? Nguyên nhân, hệ quả và cách phòng ngừa?” , PlansbyAnh hy vọng có thể giúp bạn nhận biết thế nào là ăn uống thiếu cân bằng và cách khắc phục. Bên cạnh xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, chúng ta nên tạo thói quen vận động thể chất mỗi ngày với các bộ môn như đi bộ, yoga, xe đạp, bơi lội, đá cầu, cầu lông… Đặc biệt, hãy bổ sung nước đầy đủ, trung bình 1,5-2 lít/ngày, bao gồm cả sữa và nước trái cây để tránh tình trạng mất nước không tốt cho sức khỏe.
Bạn đang xem trên Website của PlansbyAnh. Nội dung bài viết này là tài liệu dùng để tham khảo, bạn hãy nghiên cứu thêm từ nhiều nguồn khác nhau. PlansbyAnh xin trân trọng cảm ơn!
Bài Viết Liên Quan:
- Tìm hiểu chất xơ là gì và vai trò của chất xơ đối với sức khỏe?
- Hội Chứng Chuyển Hóa là gì? Có nguy hiểm không?
- Bệnh lối sống là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh?
- Tìm hiểu Protein là gì và vai trò của Protein đối với sức khỏe?
- HLV dinh dưỡng là ai? HLV dinh dưỡng có vai trò gì?
- Như thế nào là chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh?