Vài năm gần đây xu hướng tìm cách thải độc (detox) cơ thể đón nhận được nhiều sự quan tâm, bằng chứng là xuất hiện ngày càng nhiều thông tin, bài chia sẻ cách thải độc qua báo chí và mạng xã hội. Hiện tượng trên cho thấy rằng mọi người bắt đầu cảm thấy lo lắng cho sức khỏe bản thân, trước tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm và vấn nạn thực phẩm bẩn bủa vây xung quanh. Qua bài viết “Vì sao chúng ta nên thải độc cơ thể định kỳ?”, PlansbyAnh sẽ trình bày rõ hơn về chủ đề này.
Vì sao chúng ta nên thải độc cơ thể định kỳ?
Tại sao chúng ta cần thải độc cho cơ thể?
Cơ chế thải độc tự nhiên của cơ thể là gì? Bạn cần biết rằng bên trong cơ thể của con người là một cỗ máy thải độc tuyệt vời, đó là sự kết hợp hoàn hảo của nhiều cơ quan và bộ phận như da, phổi, huyết tương, ruột, gan, thận,… Chúng hoạt động liên tục để giúp cơ thể tự thanh lọc những chất độc, cặn bã do con người tiếp nhận từ chế độ ăn uống, môi trường sống và đào thải chất độc ra ngoài – đó là sự ban tặng tuyệt vời mà tạo hóa dành cho chúng ta. Tuy nhiên, con người thời hiện đại đã không biết cách để bảo vệ cơ chế thải độc tự nhiên này, thậm chí còn đầu độc và làm hại chúng qua 06 biểu hiện của lối sống “nghèo nàn”.
06 lối sống nghèo nàn của thời hiện đại là gì? Do sự công nghiệp hóa và lối sống bận rộn, con người đã bắt đầu “phát minh” và duy trì những lối sống nghèo nàn như sau:
- Dinh dưỡng nghèo nàn: Ăn nhanh, ăn vội, ăn theo sở thích. Sử dụng các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp, nhiều dầu mỡ, nhiều đạm, nhiều đường, nhiều chất phụ gia, hóa chất,…
- Thiếu ngủ: Thường xuyên thức khuya, ngủ muộn, làm việc và duy trì lối sống về đêm.
- Thiếu vận động: Thích làm bạn với điện thoại, máy tính, màn hình tivi, ghế sofa… nhiều hơn là vận động thể chất.
- Sự ô nhiễm: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất trồng, ô nhiễm tiếng ồn, cường độ bức xạ cực tím, ô nhiễm nhiệt độ, ô nhiễm tầm nhìn,…
- Lo âu: Trạng thái tâm lý, sinh lý đặc trưng được gây ra bởi sự sợ hãi và phiền muộn với các biểu hiện như bồn chồn, căng cơ, tim đập nhanh, run, đau đầu, khó thư giãn,…
- Căng thẳng: Do áp lực công việc, áp lực thời gian, áp lực phải giải quyết vấn đề, áp lực tập trung tinh thần dồn con người rơi vào trạng thái căng thẳng.
Tuy rằng cơ thể có sẵn cơ chế thải độc tự nhiên, nhưng vòng quay cuộc sống hiện đại khiến chúng ta mải miết chạy theo, và đời sống vội vã ấy góp phần hỗ trợ chúng ta “đầu độc cơ thể” một cách liên tục. Ngày hôm qua đi làm trên đường hít đầy khói bụi, tiếng ồn, ăn uống tạm bợ cơ thể chưa kịp đào thải chất độc thì ngày hôm nay lại tiếp tục hít khói bụi, ngày mai và những ngày tiếp theo vẫn lập lại như thế. Có thể nói cơ thể bị nhiễm độc không phải do ngày một ngày hai mà đó là sự tích lũy trong một khoảng thời gian rất dài, cho đến khi sự nhiễm độc đạt đến mức độ “khủng hoảng” sẽ bùng bộc phát ra ngoài, dựa trên các dấu hiệu bất thường của cơ thể và các căn bệnh mạn tính.
Bệnh mạn tính cần phải điều trị nghiêm túc trong khoảng thời gian dài, nếu như không được chăm sóc, kiểm soát tốt sẽ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Các dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần được thải độc?
Khi nào chúng ta nên thải độc cơ thể? Khi các chất độc tích tụ trong cơ thể lâu ngày, đến thời điểm bùng nổ sẽ xuất hiện các dấu hiệu điển hình như sau:
- Thường xuyên mỏi mệt: Dù ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, nhưng vẫn thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Hay bị táo bón: Dù ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước mà vẫn bị táo bón chứng tỏ hệ tiêu hóa đang hoạt động không đúng cách.
- Thừa cân, béo bụng: Dấu hiệu của rối loạn chuyển hóa (rối loạn trao đổi chất) do thận và gan bị suy giảm chức năng.
- Buồn phiền, chán nản: Hay thay đổi tâm trạng, thường xuyên chán nản, suy nghĩ tiêu cực, thiếu động lực trong cuộc sống.
- Mất ngủ, khó ngủ: Khi không ngủ đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến khả năng đào thải độc tố, khiến cơ thể tích tụ độc tố.
- Cơ thể nặng mùi: Dù đã chú ý vệ sinh sạch sẽ nhưng cơ thể vẫn nặng mùi, hôi miệng.
- Đau đầu không rõ nguyên nhân: Chất độc tích tụ quá nhiều khiến tình trạng đau đầu, chóng mặt diễn ra thường xuyên.
- Ngứa ngáy, da nổi mụn: Khi gan bị quá tải, không được đào thải được độc tố sẽ biểu hiện ra ngoài với dấu hiệu da nổi mụn,, mề đay, ngứa ngáy, vàng da, nóng trong người, đổ mồ hôi nhiều…
- Đầy hơi, chướng bụng: Dấu hiệu chứng tỏ chất độc tích tụ trong hệ tiêu hóa, đi kèm là cảm giác biếng ăn, buồn nôn.
- Suy giảm tình dục: Đột nhiên chán nản, sợ hãi, lảng tránh, giảm ham muốn tình dục, liệt dương…
Cho dù hiện nay bạn không mắc bệnh gì nghiêm trọng nhưng nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu tương tự như trên thì bạn hãy dành sự quan tâm, lắng nghe cơ thể và chọn biện pháp thanh lọc, thải độc phù hợp. Bởi vì chất thải bên trong cơ thể con người cũng tương tự như rác, tích tụ lâu ngày thì sẽ đến lúc gây ra các bệnh lý nguy hiểm.
Tác dụng của việc đào thải độc tố trong cơ thể?
Sau đây là những tác dụng của việc đào thải độc tố trong cơ thể:
- Hỗ trợ giảm tải cho gan: Tích tụ nhiều độc tố bên trong cơ thể sẽ là gánh nặng cho gan, sau khi thanh lọc gan có thể được giảm tải, các hoạt động trở nên hiệu quả hơn, bạn sẽ có làn da khỏe mạnh và đẹp hơn trước, các nốt mụn, mẩn ngứa sẽ dần biến mất.
- Chăm sóc thận khỏe mạnh: Thận là một trong những cơ quan thải độc quan trọng và hiệu quả của cơ thể. Bên cạnh chức năng lọc máu, đào thải độc tố qua đường niệu đạo dẫn đến bàng quang rồi thải ra ngoài, thì thận còn giúp tái hấp thu nước, các acid amin và glucose. Sau khi thải độc, thận sẽ được giảm tải nên hoạt động lọc máu, thải độc và bài tiết sẽ tốt hơn.
- Làm sạch đại tràng: Đại tràng hay ruột già là phần gần cuối trong hệ thống tiêu hóa, là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Khi đại tràng được làm sạch sẽ thì hệ thống tiêu hóa có thể hoạt động tốt hơn, hỗ trợ đào thải độc tố khỏi cơ thể, đồng thời loại bỏ một số nguyên nhân gây hôi miệng và mùi hôi cơ thể.
- Tăng cường sức đề kháng: Sau khi thải độc, cơ thể sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất một cách nhanh chóng nhờ đó hệ thống miễn dịch sẽ được cải thiện và hoạt động tốt hơn, tăng khả năng đối phó với các bệnh tật như cảm cúm, cảm lạnh…
- Ngủ ngon giấc hơn: Độc tố chính là nguyên nhân làm giảm chất lượng giấc ngủ, vì thế sau khi loại bỏ các chất độc, cặn bã tồn đọng sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon, cơ thể được thư giãn.
- Giảm mệt mỏi, tăng năng lượng: Sau khi thải độc các cơ quan hoạt động hiệu quả hơn, việc đào thải đường, hóa chất, caffeine… những thứ gây ra sự mệt mỏi, suy nhược cơ thể nhờ đó giúp bạn hồi phục năng lượng nhanh chóng và duy trì ổn định hơn.
- Tăng cường trao đổi chất: Thải độc giúp loại bỏ vi khuẩn có hại từ đại tràng, thúc đẩy sự hấp thụ dinh dưỡng quan trọng, tạo điều kiện để cơ thể tiêu hóa các chất chống oxy hóa, vitamin, đặc biệt là vitamin B và khoáng chất…
- Hạn chế sự lão hoá: Thải độc giúp hạn chế sự phát triển của các gốc tự do, các kim loại nặng – là nguyên nhân chính khiến cơ thể lão hóa sớm. Bên cạnh đó, thải độc còn làm tăng tốc độ hấp thụ các chất chống oxy hóa, giúp cơ thể tươi tắn, khỏe mạnh dài lâu.
- Cải thiện hiệu suất của não: Các loại độc tố có xu hướng làm ảnh hưởng đến ống thần kinh và các hoạt động của trí não. Việc thải độc có thể giúp hệ thần kinh làm việc tốt hơn, tăng cường sự tập trung, cải thiện trí nhớ và suy nghĩ minh mẫn hơn.
- Hỗ trợ giảm mỡ: Cơ thể trước khi giảm mỡ cần được thải độc và làm sạch. Điều này không những giúp ngăn chặn các loại độc tố xâm nhập vào máu, mà còn giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, hỗ trợ đốt cháy chất béo, từ đó giúp giảm mỡ hiệu quả.
Có phải bạn đang loay hoay với tình trạng thừa cân, béo bụng nhưng chưa tìm ra giải pháp nào thật sự hiệu quả. Tham khảo bài viết này nhé!
Các phương pháp giúp cơ thể đào thải độc tố?
Giả sử chúng ta coi việc tắm gội là làm sạch cơ thể ở bên ngoài thì thải độc chính là một hình thức làm sạch từ bên trong. Thải độc cơ thể thực ra rất đơn giản nếu như chúng ta biết cách, sau đây là một số cách giúp đào thải độc tố hiệu quả:
Thải độc ruột.
Đa phần chúng ta nghĩ rằng các loại vi khuẩn, virus, chất độc sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, nhưng thực tế là đường tiêu hóa có tỉ lệ nhiễm độc cao nhất do các loại thực phẩm mà con người dung nạp hàng ngày. Chất độc trong đường ruột bao gồm thành phần của thức ăn không tiêu hóa được, các vi khuẩn, virus gây hại, hoặc là các gốc tự do,… những chất này tồn đọng lâu ngày trong ruột sẽ gây tắc nghẽn đường ruột, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Tóm lại, để chăm sóc hệ tiêu hóa được khỏe mạnh thì chúng ta cần tìm hiểu các cách giúp thải độc ruột.
Thải độc gan.
Một trong những chức năng chính của gan đó là tham gia vào quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, nhờ vậy mà cơ thể chúng ta mới hấp thu tốt các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Ngoài ra, gan còn tham gia vào việc cân bằng các chất bên trong cơ thể như chất đạm, chất béo và đường. Trong trường hợp gan hoạt động hết công suất mà không được quan tâm chăm sóc, lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm chức năng gan. Cho nên mỗi người cần có ý thức trong vấn đề thải độc gan, bằng cách giúp gan giảm tải để hoạt động hiệu quả hơn qua những phương pháp thải độc an toàn. Hoặc, đôi khi cách thải độc gan đơn giản nhất chính là không gây nguy hại cho gan bằng việc tiêu thụ quá nhiều rượu bia, caffeine và chất kích thích.
Thải độc máu.
Máu trong cơ thể con người đảm nhiệm rất nhiều chức năng, có thể kể đến như là (1) vận chuyển oxy, carbon dioxide, hormone, chất thải; (2) bảo vệ cơ thể trước các loại virus xâm nhập, giúp làm đông máu, giảm thiểu mất máu do chấn thương tạo thành; cho đến (3) điều hòa độ PH, cân bằng nước và nhiệt độ cơ thể. Cách tốt nhất để thải độc máu một cách tự nhiên là uống đủ nước, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thảo dược tự nhiên để tăng cường chức năng cho gan và thận, bởi vì chúng có nhiệm vụ lọc máu, giúp loại bỏ các chất thải từ máu.
Thải độc hệ bạch huyết.
Hệ bạch huyết là một bộ phận quan trọng và phức tạp của cơ thể tồn tại xung quanh hệ thống mạch máu, chúng có trách nhiệm loại bỏ chất thải từ các tế bào trong cơ thể, điều chỉnh hệ thống miễn dịch nên được ví như là hệ thống chứa rác của cơ thể. Qua nhiều năm hoạt động, hệ bạch huyết có thể bị ứ đọng và tắc nghẽn cùng với môi trường ngày nay có nhiều chất độc khiến cho hệ miễn dịch của con người dễ bị suy yếu. Nếu chúng ta quan tâm đến việc thải độc hệ bạch huyết, làm “thông thoáng” hệ bạch huyết sẽ hỗ trợ đào thải các chất độc ra ngoài tốt hơn và cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn.
Thải độc ký sinh trùng.
Có rất nhiều loại ký sinh tồn tại trong cơ thể người như giun móc, giun đũa, giun kim, sán dây, sán máng, trùng ghẻ, trùng hình cung, khuẩn Giardia, Amip bệnh lỵ,… Chúng gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, từ thói quen ăn uống như ăn rau sống, sushi, sashimi, hàu sống, hay ăn phở hàng ngày với thịt bò tái, ăn tiết canh, các loại ốc, các món ăn vặt ngoài quán xá, đường phố nơi chất lượng vệ sinh kém… cho đến niềm vui nuôi chó, mèo, chim cảnh, thú cưng các loại và thường xuyên ôm chúng, chơi với chúng. Có những loại ký sinh trùng tồn tại bên trong cơ thể con người với thời gian từ 10 – 30 năm, ví dụ bạn ăn phải thức ăn có ký sinh trùng, giun, sán cách đây 10 năm thì khả năng bây giờ chúng vẫn tồn tại, sinh sôi nảy nở bên trong cơ thể của bạn.
Làm sao để biết mình nhiễm ký sinh trùng? Ký sinh trùng thường gây nên các bệnh về da, các bệnh tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy, táo bón, ngứa hậu môn, mệt mỏi, thèm ăn vặt, nghiến răng, thiếu máu, lo lắng, bất an, trầm cảm,… do vậy, nếu bạn có những dấu hiệu như trên, hãy nhanh chóng tìm một phương pháp giúp thải độc ký sinh trùng hiệu quả.
Qua bài viết “Tại sao chúng ta nên thải độc cơ thể định kỳ?”, bạn có thể hình dung được sự nhiễm độc của con người hiện nay có thể đến từ 02 nguồn là nội sinh – tức từ bên trong cơ thể và ngoại sinh – do tác động của môi trường sống mà tạo thành. Để cải thiện, đầu tiên chúng ta nên điều chỉnh lại vấn đề dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động hợp lý để kích hoạt cơ chế thải độc tự nhiên của cơ thể, đồng thời nhận biết tình trạng của bản thân để áp dụng những phương pháp đào thải độc tố hiệu quả.
Bạn đang xem trên Website của PlansbyAnh. Nội dung bài viết này là tài liệu dùng để tham khảo, bạn hãy nghiên cứu thêm từ nhiều nguồn khác nhau. PlansbyAnh xin trân trọng cảm ơn!
Bài Viết Liên Quan:
- Những căn bệnh do lối sống nguy hiểm nhất hiện nay
- Các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe cần được cải thiện
- Mỡ thừa là gì? Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục?
- Vì sao nhịn ăn để giảm cân thường không hiệu quả?
- Tìm hiểu chất xơ là gì và vai trò của chất xơ đối với sức khỏe?
- Tìm hiểu tinh bột là gì và vai trò của tinh bột đối với sức khỏe?