Do mặc cảm tự ti với thân hình thừa cân béo bụng nên nhiều người đã tìm đến những biện pháp giảm cân tiêu cực, đặc biệt là phái nữ, tất cả đều mong ước đạt được hiệu quả giảm cân trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách lựa chọn phương pháp giảm cân hiệu quả và khoa học. Dưới đây, PlansbyAnh sẽ liệt kê một danh sách “những phương pháp giảm cân phản khoa học cần tránh”, do hiệu quả của chúng thì ít nhưng nguy hại thì nhiều.
Mục Lục
Những phương pháp giảm cân phản khoa học cần tránh.
Như thế nào là giảm cân phản khoa học?
Hầu hết các phương pháp giảm cân phản khoa học chỉ quan tâm đến trọng lượng thể hiện qua số cân nặng, hoặc số đo của vòng eo/bụng. Nếu như thấy cân nặng giảm, số đo giảm thì nghĩ rằng phương pháp có hiệu quả. Trong khi trọng lượng của một người bao gồm: tỉ lệ nước, xương, cơ bắp, da, mỡ, nội tạng… Vậy khi giảm cân là bạn dự định giảm phần nào? Giảm lượng nước, giảm cơ bắp hay giảm mỡ? Theo bạn giảm thành phần nào của cơ thể là đúng nhất? Đối với PlansbyAnh, phương pháp giảm cân an toàn và khoa học phải là giảm tỉ lệ mỡ cơ thể, bao gồm: mỡ dưới da, mỡ nội tạng, mỡ máu,… Còn lại, tất cả những phương pháp nào không chú trọng giảm mỡ thì đều là giảm cân phản khoa học. Mặc dù có thể mang đến hiệu quả nhanh chóng do cơ thể bị mất nước, thiếu dưỡng chất nhưng về lâu dài sẽ gây hại cho hoạt động của cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta.
Có phải bạn đang loay hoay với tình trạng thừa cân, béo bụng nhưng chưa tìm ra giải pháp nào thật sự hiệu quả. Tham khảo bài viết này nhé!
Những phương pháp giảm cân phản khoa học.
Bỏ bữa, nhịn ăn để giảm cân.
Nguyên tắc chung của tất cả các phương pháp giảm cân đó là: Lượng calo ăn vào – calories in phải nhỏ hơn lượng calo tiêu thụ – calories out. Ví dụ một người trưởng thành trung bình cần nạp 2000 calories/ngày nhằm duy trì các hoạt động thì khi muốn giảm cân nên ăn ở mức dưới 2000 calories/ngày, chẳng hạn khoảng 1800 calories/ngày là hợp lý nhưng không phải ai cũng biết cách áp dụng hợp lý. Sau khi được “mách nước”, nhiều người đã có niềm tin và quyết định bỏ bữa, nhịn ăn để giảm cân đồng thời thấy phương pháp này mang đến hiệu quả một cách nhanh chóng. Hiệu quả bởi vì người giảm cân theo phương pháp nhịn ăn không tính toán đến lượng calories in – out sao cho hợp lý nên cứ nhịn thoải mái đến khi nào đói quá thì thôi, và các biến thể của phương pháp bỏ bữa, nhịn ăn này bao gồm:
- Ngày chỉ ăn 01 bữa. Hoặc bỏ bữa ăn sáng, ngày chỉ ăn 02 bữa.
- Nhịn ăn gián đoạn hay IF (Intermittent Fasting): Cũng có nhiều biến thể như là 16/8 (ăn trong 8 tiếng, 16 tiếng không ăn); 20/4 (ăn trong 4 giờ, nhịn 20 tiếng không ăn); 5/2 (mỗi tuần 5 ngày ăn bình thường, 2 ngày ăn chỉ bằng ¼ bình thường); Eat-Stop-Eat (mỗi tuần có ít nhất 01 ngày nhịn ăn 24 tiếng).
Hậu quả của phương pháp bỏ bữa, nhịn ăn để giảm cân đó là trong khung giờ nhịn ăn thì bụng cồn cào, “đói muốn xỉu”, kiệt sức và khung giờ được ăn thì ăn không kiềm chế được, ăn như chưa bao giờ được ăn. Nhìn chung có thể xem phương pháp này là một hình thức gây rối loạn về giờ giấc sinh hoạt, rối loạn về dinh dưỡng và chắc chắn không phải là một chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Để có sức khỏe tốt chúng ta cần chú ý tập luyện thể thao và lựa chọn cách ăn uống khoa học – nền tảng vững vàng cho sự nghiệp thành công và đời sống hạnh phúc.
Uống nước chanh, uống giấm để giảm cân.
Gần đây người ta truyền tai nhau về phương pháp uống nước chanh, uống giấm để giảm cân trong khoảng 02 tuần. Cụ thể là mỗi ngày họ sẽ chỉ ăn 01 bữa (tương tự phương pháp nhịn ăn ở trên), 02 bữa còn lại sẽ uống nước chanh hoặc nước giấm. Tuy nhiên, bạn cần biết thành phần của giấm ăn là acid acetic, còn thành phần của chanh có acid citric nếu chúng ta nạp vào cơ thể một lượng lớn acid, đều đặn hàng ngày sẽ khiến dạ dày, đường ruột bị bào mòn. Acid cũng tiêu diệt các men tiêu hóa, lợi khuẩn đường ruột làm cho chúng ta không còn cảm giác thèm ăn, vì thế mà thiếu dưỡng chất và gầy đi một cách nhanh chóng. Giảm cân bằng chanh và giấm là một phương pháp phản khoa học và thường đi liền với bệnh tật, làm cho cơ thể yếu ớt, khó dung nạp chất dinh dưỡng thậm chí gây thủng dạ dày, hoặc ngộ độc. Biến thể của phương pháp này là các hình thức uống nước cà phê để giảm cân, uống nước thanh lọc cơ thể (detox), uống nước suối/nước lọc, uống nước cần tây để giảm cân… nhưng hầu hết là hiệu quả không cao.
Dùng đai nịt bụng để giảm cân.
Phương pháp dùng đai nịt bụng để giảm cân nghe có vẻ đơn giản nhưng đây là một cách giảm cân phản khoa học. Bởi vì khi chúng ta dùng đai nịt bụng, quấn bụng, hoặc bất kỳ biện pháp nào để bó chặt bụng thì đều gây sức ép lên bụng phía bên ngoài và hệ tiêu hóa ở bên trong. Điều này khiến cho dạ dày bị bó chặt lại, chúng ta ăn ít (giảm lượng calo tiêu thụ) và đạt được mong ước là giảm cân, nhưng về lâu dài sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày, điển hình là chứng trào ngược dạ dày thực quản. Không những vậy, quấn bụng còn ép chặt các cơ quan nội tạng khác như gan, thận, hệ tuần hoàn… ngăn cản sự trao đổi oxy, làm chậm quá trình trao đổi chất, lâu ngày sẽ gây rối loạn chuyển hóa và các bệnh lý nghiêm trọng.
Phẫu thuật, hút mỡ bụng để giảm cân.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các dịch vụ thẩm mỹ mọc lên như nấm và phương pháp phẫu thuật, hút mỡ bụng để giảm cân đã được quảng cáo là có hiệu quả nhanh chóng, người giảm cân không cần phải ăn kiêng kham khổ hay tập luyện vất vả mà vẫn có được vóc dáng như ý muốn. Cách làm này bao gồm phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày, mục đích của phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn vùng phình vị lớn, nơi tiết ra hormone Ghrelin (loại hormone gây ra cảm giác thèm ăn, tạo cảm giác đói). Bên cạnh đó, còn kỹ thuật hút mỡ căng mô (Tumescent Liposuction), hút mỡ bằng sóng siêu âm, hút mỡ bằng laser, hút mỡ bằng lực… kết hợp với tạo hình thành bụng bằng cách cắt các đoạn da thừa, chùng nhão, chảy xệ nhằm giúp bụng thon gọn và căng mịn hơn. Tại sao sử dụng công nghệ y học tiên tiến trong phẫu thuật, hút mỡ là cách làm phản khoa học? Thứ nhất, đụng đến dao kéo, xâm phạm vào cơ thể là điều không nên. Thứ hai, bất cứ phẫu thuật nào cũng đều có một tỷ lệ rủi ro nhất định, và chỉ là lựa chọn cuối cùng khi bạn không thể áp dụng phương pháp nào khác. Thứ ba, người giảm béo bằng cách phẫu thuật có thể quay trở lại trọng lượng ban đầu chỉ sau một thời gian nếu họ không tập trung giải quyết tỉ lệ calories in – out.
Tự gây chán ăn để giảm cân.
Phương pháp tự gây chán ăn để giảm cân là gì? Bằng nhiều hình thức, người muốn giảm cân thực hiện những biện pháp khiến cho họ trở nên biếng ăn, chẳng hạn áp chế độ ăn giảm calo thất thường, liên tục trong nhiều ngày gây ra rối loạn về dinh dưỡng, rối loạn sinh hoạt khiến cho người đó cảm thấy biếng ăn và nhờ vậy mà giảm cân. Tuy nhiên, đây lại là một hình thức giảm cân cực kỳ phản khoa học, nếu kéo dài sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng, từ một người thừa cân họ có thể trở thành người biếng ăn và cơ thể suy kiệt đến mức khó hồi phục. Báo cáo của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Gia Về Các Rối Loạn Ăn Uống (National Eating Disorder Collaboration – NEDC) cho thấy xuất hiện nhiều tai biến nghiêm trọng đối với người tự gây chán ăn để giảm cân, bao gồm: đau tim, tổn thương não vĩnh viễn, suy gan, viêm dạ dày, tuyến tụy, suy kiệt thể lực và rối loạn tâm thần.
Nôn, ói thức ăn để giảm cân.
Để không phải ăn kiêng vất vả, không phải kìm nén cơn thèm ăn mà vẫn có được vóc dáng như mong muốn nên nhiều người đã áp dụng phương pháp nôn, ói thức ăn để giảm cân. Nghĩa là họ vẫn ăn uống như bình thường, vẫn ăn nhiều theo ý thích nhưng sau đó tìm cách móc họng để nôn, ói thức ăn ra ngoài và họ thường làm điều này một cách bí mật tránh ánh mắt của người thân. Tình trạng tự nôn, ói kéo dài không chỉ khiến rối loạn dinh dưỡng, suy kiệt cơ thể, mất nước, yếu cơ mà còn gây ra nhiều triệu chứng về đường tiêu hóa, tổn thương thực quản, đau dạ dày, ợ nóng và trào ngược… hủy hoại răng, gây hỏng men răng, răng nhạy cảm và các bệnh về nướu, đau họng, sưng má và hàm do sưng tuyến nước bọt. Người tự nôn ói đẩy mình đến các căn bệnh khác như mất cân bằng về hormone, giảm ham muốn tình dục, mất kinh nguyệt, vô sinh… Bên cạnh đó, tự nôn ói thức ăn để giảm cân còn gây ra một hội chứng tâm lý, tinh thần gọi là chứng ăn – ói (Bulimia Nervosa), hễ nhìn thấy thức ăn là ói.
Uống thuốc, trà để giảm cân.
Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện tràn lan những mẩu quảng cáo về các loại thuốc uống, trà giảm cân cấp tốc. Tuy nhiên cũng cần phải tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc của những loại thuốc này, có làm từ nguồn gốc thảo dược thiên nhiên hay không, cơ chế hoạt động ra sao. Đa số các loại thuốc giảm cân sẽ gây ra tình trạng mất nước và mất cơ, ức chế sự thèm ăn, trong khi điều chúng ta cần là giảm mỡ, hoặc các loại thuốc/kem giúp làm tan mỡ nhưng lại gây tăng nhịp tim, ảnh hưởng đến tim về hệ thần kinh khi sử dụng. Đặc biệt những loại trà giảm cân đều chứa các chất nhuận tràng, khiến người dùng đi vệ sinh nhiều hơn, từ đó gây tiêu chảy, mất nước. Do đó, uống thuốc, trà để giảm cân là một phương pháp phản khoa học trong trường hợp bạn lựa chọn không đúng sản phẩm, nguồn gốc, thương hiệu.
Tập quá luyện quá sức để giảm cân.
Thường xuyên vận động, tập luyện thể thao là một phương pháp giúp giảm cân hiệu quả nhưng nếu tập luyện quá sức có thể gây ra những tác dụng phụ mà bạn không ngờ đến. Thứ nhất, đối với người ít luyện tập đột nhiên thay đổi thái độ, tập luyện với cường độ cao thì đòi hỏi sự quyết tâm và ý chí tuyệt vời, hoặc bạn dễ nản và bỏ cuộc giữa chừng. Thứ hai, việc tập luyện với cường độ cao trong một thời gian dài sẽ làm thay đổi cấu trúc tim, từ đó dẫn đến những cơn co thắt lồng ngực nguy hiểm. Do đó, tập luyện quá sức để giảm cân không phải là một phương pháp khoa học, tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến từ các huấn luyện viên để tìm được cho mình một phương án tập luyện phù hợp và chế độ ăn uống lành mạnh.
Nguyên tắc giảm cân dựa trên khoa học.
Nguyên tắc giảm cân dựa trên khoa học đòi hỏi bạn phải quan tâm đến tỉ lệ các thành phần bên trong cơ thể, bao gồm: tỉ lệ nước, xương, cơ bắp, tỉ lệ mỡ,… Cụ thể, khi muốn có sức khỏe tốt và vóc dáng đẹp thì tỉ lệ mỡ cơ thể đối với Nữ giới là 21-24%, đối với Nam giới là 14-17%. Đặc biệt Nam giới muốn có cơ bụng 6 múi thì tỉ lệ mỡ cơ thể là 10%, còn các vận động viên, cầu thủ ví dụ như Cristiano Ronaldo có tỉ lệ mỡ cơ thể là 7%. Vậy nguyên tắc giảm cân đúng khoa học là phải giảm tỉ lệ mỡ cơ thể. Muốn giảm mỡ hiệu quả chúng ta cần lưu ý các điều như sau:
- Có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn uống cân bằng, đủ chất, đủ bữa.
- Có một lịch trình nghỉ ngơi sinh hoạt điều độ, hợp lý.
- Có một cơ chế vận động, thể dục thường xuyên, lành mạnh.
- Có một người bạn đồng hành, HLV sức khỏe, HLV dinh dưỡng tư vấn.
Bạn hãy tìm hiểu về Cân Bằng Chuyển Hóa, bởi vì chúng ta gặp tình trạng thừa cân, béo bụng là do một quá trình sinh hoạt lâu dài không đúng cách mà gây ra những rối loạn bên trong cơ thể. Khi chúng ta điều chỉnh được sự rối loạn này bằng phương pháp Cân Bằng Chuyển Hóa thì không những duy trì được cân nặng, vóc dáng mong muốn mà còn phòng tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Cùng tìm hiểu xem phương pháp cải thiện sức khỏe, vóc dáng dựa trên dinh dưỡng khoa học nhờ Cân Bằng Chuyển Hóa là gì và có khoa học hay không?
Qua nội dung của bài viết “Những phương pháp giảm cân phản khoa học cần tránh”, bạn hãy luôn nhớ rằng việc giảm cân không bao giờ gắn liền với một chế độ nhịn ăn kéo dài. Điều bạn cần làm là phải duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, kết hợp với các biện pháp khoa học nhằm đốt cháy lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể theo sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia thể dục. Mọi thứ cần có lộ trình và thời gian chuẩn bị, nếu bạn quá nôn nóng giảm cân có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Bạn đang xem trên Website của PlansbyAnh. Nội dung bài viết này là tài liệu dùng để tham khảo, bạn hãy nghiên cứu thêm từ nhiều nguồn khác nhau. PlansbyAnh xin trân trọng cảm ơn!
Bài Viết Liên Quan:
- Mỡ thừa là gì? Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục?
- Vì sao nhịn ăn để giảm cân thường không hiệu quả?
- Thừa cân béo phì là gì? Nguyên nhân và hệ lụy của thừa cân béo phì?
- PlansbyAnh: Những cam kết trong chương trình chuyển hóa
- PlansbyAnh: Các nguyên tắc giảm mỡ hiệu quả & khoa học
- Tại sao luôn cảm thấy thèm đồ ăn vặt dù không đói?