Protein là một trong các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng của cơ thể cần được bổ sung hàng ngày, để duy trì sự sống và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên chỉ nên bổ sung Protein với lượng vừa đủ, việc bổ sung quá nhiều có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hãy cùng PlansbyAnh tìm hiểu Protein là gì và vai trò của Protein đối với sức khỏe qua nội dung sau đây.
Mục Lục
Tìm hiểu Protein là gì và vai trò của Protein đối với sức khỏe?
Tìm hiểu Protein là gì?
Hình ảnh minh họa cấu trúc của phân tử Protein trong cơ thể con người. Ảnh: Shutterstock.
Protein (chất đạm) là gì? Protein hay còn gọi là chất đạm, protid thuộc nhóm chất sinh năng lượng cho cơ thể cùng với chất béo và Carbohydrate, và kết hợp với các loại Vitamin và khoáng chất để trở thành nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết đối với sức khỏe con người. Protein được tìm thấy ở hầu hết các bộ phận như: da, tóc, xương, mô… và tổng cộng có hơn 20.000 loại Protein trong cơ thể con người. Mỗi loại Protein chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, có loại Protein tồn tại vài phút nhưng cũng có loại duy trì nhiều năm và sau đó chúng sẽ bị thoái hóa. Về mặt cấu tạo thì Protein có cấu trúc khá phức tạp, do chúng được tạo ra từ 20 – 22 loại acid amin khác nhau, trong đó có 9 acid amin thiết yếu – nghĩa là cơ thể không tự tổng hợp được, mà phải được cung cấp từ bên ngoài qua việc ăn uống, số còn lại gọi là acid amin không thiết yếu – nghĩa là cơ thể có thể tự tổng hợp được.
- Định nghĩa acid amin thiết yếu là gì? Acid amin thiết yếu là hợp chất hữu cơ cấu tạo nên Protein mà cơ thể không tự tổng hợp được. Con người phải bổ sung từ bên ngoài thông qua quá trình ăn uống, có tổng cộng 9 loại acid amin thiết yếu.
- Định nghĩa acid amin không thiết yếu là gì? Acid amin không thiết yếu là hợp chất hữu cơ cấu tạo nên Protein mà cơ thể có thể tự tổng hợp được. Con người không cần phải bổ sung từ bên ngoài thông qua chế độ dinh dưỡng.
Protein được phân thành mấy loại?
Hình ảnh minh họa cấu trúc của acid amin trong cơ thể con người. Ảnh: Shutterstock.
Protein có những loại nào? Protein có 02 dạng gọi là Protein hoàn chỉnh và Protein không hoàn chỉnh, cơ thể chúng ta cần cả 02 loại để đạt được sự cân bằng.
- Protein hoàn chỉnh là gì? Gọi là Protein hoàn chỉnh vì chúng chứa đầy đủ 09 acid amin thiết yếu là: Lysine, Histidine, Threonine, Methionin, Valine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Tryptophan. Thông thường, các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như cá, thịt, gia cầm, sữa, trứng… chứa loại Protein hoàn chỉnh.
- Protein không hoàn chỉnh là gì? Gọi là Protein không hoàn chỉnh vì chúng thiếu một hoặc nhiều acid amin thiết yếu, tức là không đầy đủ 09 loại acid amin thiết yếu. Hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đều chứa Protein không hoàn chỉnh, ngoại trừ một số loại thực vật như hạt quinoa (diêm mạch), kiều mạch, hạt gai dầu, hạt dền, hạt chia, đậu nành, tảo xoắn là có chứa Protein hoàn chỉnh.
Vai trò của Protein đối với sức khỏe?
Protein có vai trò cấu tạo nên khung tế bào.
Hình ảnh minh họa tế bào biểu mô nội mạc tử cung trong cơ thể con người. Ảnh: Shutterstock.
Protein có vai trò cấu tạo nên khung tế bào, giúp duy trì hình dáng và tham gia vào mọi quá trình bên trong tế bào. Protein là thành phần quan trọng của chất gian bào, nhân tế bào với vai trò duy trì và phát triển mô. Ngoài ra, Protein còn tham gia vào quá trình phát triển của cơ thể kể từ việc cấu tạo hình thành cơ bắp, đổi mới để phát triển, và phân chia tế bào. Hơn nữa, Protein còn là enzyme – chất xúc tác cho các phản ứng sinh hóa và trao đổi chất bên trong cơ thể.
Protein có vai trò vận chuyển oxy, dinh dưỡng.
Hình ảnh minh họa tế bào máu trong cơ thể con người. Ảnh: Shutterstock.
Protein có vai trò vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng: Protein Hemoglobin có trong tế bào hồng cầu vận chuyển oxy từ phổi cung cấp cho các tế bào trong cơ thể. Protein cũng thực hiện vận chuyển phần lớn chất dinh dưỡng, từ nơi hấp thu ở quá trình tiêu hóa thức ăn đến máu, các mô và tế bào.
Protein có vai trò bảo vệ cơ thể.
Hình ảnh minh họa tế bào Lympho kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể con người. Ảnh: Shutterstock.
Protein có vai trò bảo vệ cơ thể, bởi vì cấu tạo của các tế bào tế bào bạch cầu chính là Protein. Mà bạch cầu thì có vai trò như lớp bảo vệ giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân có hại. Ngoài ra, loại Protein Interferon do hệ miễn dịch sản xuất có khả năng chống lại nhiều loại virus cùng các tác nhân gây bệnh khác. Vai trò bảo vệ cơ thể của Protein có thể thấy rõ khi: Nếu khả năng tổng hợp và hấp thu Protein bị kém đi thì hệ miễn dịch cũng sẽ suy giảm, vì thế con người dễ mắc bệnh hơn.
Protein có vai trò cung cấp năng lượng.
Protein có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể: Protein thường chiếm tỉ lệ khoảng 10 – 15% khẩu phần ăn cơ bản của một người. Cứ mỗi gram Protein cung cấp khoảng 4 calo tạo ra nguồn năng lượng lớn giúp cho cơ thể hoạt động và duy trì sự sống của tế bào. Có thể nói đối với người trưởng thành, Protein là thành phần có tỉ lệ nhiều nhất sau nước, chiếm khoảng 50% trọng lượng thô. Cho nên có thể xem Protein chính là thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất và cuối cùng mà cơ thể muốn sử dụng để làm năng lượng, đặc biệt đối với những người vận động cường độ cao, hoặc người tập luyện thể thao.
Protein có vai trò cân bằng pH trong cơ thể.
Hình ảnh minh họa hệ tuần hoàn trong cơ thể con người. Ảnh: Shutterstock.
Protein có vai trò cân bằng pH trong cơ thể: Protein hoạt động như chất đệm giúp cân bằng độ pH, đảm bảo cho hệ tuần hoàn vận chuyển ion được dễ dàng. Ngoài ra, Protein còn giúp cân bằng và điều hòa lượng nước trong cơ thể bằng cách kéo nước từ tế bào và các mạch máu, vì thế khi hàm lượng Protein ở trong máu thấp sẽ xuất hiện hiện tượng phù nề, do nước bị ứ đọng trong các mô và tế bào.
Nhu cầu Protein đối với sức khỏe con người?
Nhu cầu Protein như thế nào là phù hợp đối với sức khỏe? Protein hay chất đạm rất quan trọng và cần thiết để chúng ta xây dựng và duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tuy nhiên áp dụng một chế độ dinh dưỡng mà quá nhiều hoặc quá ít Protein cũng đều không tốt cho cơ thể. Trung bình một người trưởng thành sẽ cần khoảng 0,8 gram Protein trên 01 kg trọng lượng, ví dụ trọng lượng của bạn là 60 kg thì bạn sẽ cần thu nạp khoảng 48 gram Protein/ngày. Hoặc bạn cũng có thể tham khảo cách tính lượng Protein tiêu thụ hàng ngày sau đây.
Cách tính lượng Protein tiêu thụ hàng ngày:
- Em bé: Khoảng 10 gram/ngày;
- Trẻ em còn ở độ tuổi đi học: Cần 19 – 34 gram/ngày;
- Thanh thiếu niên: Con trai cần 52 gram/ngày – Con gái cần 46 gram/ngày;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú: Khoảng 71 gram/ngày;
- Người chơi điền kinh không chuyên: Cần 1,1 – 1,4 gram/kg/ngày;
- Vận động viên tham gia thi đấu hoặc những môn thể thao đòi hỏi sức bền: Cần 1,2 – 2 gram/kg/ngày;
- Vận động viên cử tạ, thể hình: Cần 1,5 – 2,0 gram/kg/ngày.
Chế độ ăn giàu Protein là gì? Chế độ ăn giàu Protein là một chế độ dinh dưỡng dành cho người muốn giảm cân hoặc người tập luyện thể thao chuyên nghiệp. Đối với chế độ ăn giàu Protein, việc tăng tỉ lệ Protein trong khẩu phần ăn cần kết hợp với việc giảm tỉ lệ Carbohydrate và chất béo, để tránh gây dư thừa năng lượng. Và cũng vì thế mà chế độ ăn giàu Protein cũng song song tồn tại các ưu nhược điểm riêng, cụ thể:
- Ưu điểm của chế độ ăn giàu Protein là gì? Chế độ ăn giàu Protein giúp người ăn cảm thấy ngon miệng, no lâu từ đó giảm ăn, là một biện pháp giúp giảm cân an toàn. Nhờ có lượng Protein lớn cùng với sự tập luyện nghiêm túc có thể giúp xây dựng khối cơ, duy trì lượng cơ bắp, nhờ đó mà cơ thể ngày càng khỏe mạnh, trở nên thon gọn và tất nhiên là đẹp hơn.
- Nhược điểm của chế độ ăn giàu Protein là gì? Chế độ ăn giàu Protein có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, nguyên do là ăn nhiều Protein nên bỏ qua các thành phần dinh dưỡng hữu ích khác. Chế độ ăn giàu Protein làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh lý tim mạch, tăng áp lực lên hoạt động của thận. Đặc biệt nếu chế độ ăn giàu Protein mà không tập luyện thể thao đều đặn có thể gây ra thừa cân, béo phì, gout, mỡ máu, mỡ nội tạng…
Đâu là các loại thực phẩm giàu Protein?
Chúng ta có thể bổ sung lượng Protein hàng ngày thông qua các nhóm thực phẩm như sau:
- Nhóm thực phẩm giàu Protein có nguồn gốc động vật: Trứng, cá, tôm, hải sản, ức gà, thịt bò, thịt gà, thịt heo, sữa, phô mai,…
- Nhóm thực phẩm giàu Protein có nguồn gốc thực vật bao gồm: hạt gai dầu, hạt chia, hạt quinoa, hạt kiều mạch, hạt hạnh nhân, hạt macca, hạt điều, hạt dẻ cười, hạt óc chó, hạt bí đỏ, đậu nành, bơ đậu phộng, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu gà, đậu Lima, nấm, măng tây, rau cải xoong, tảo xoắn, yến mạch,…
Thông qua bài viết này, bạn đã cùng với PlansbyAnh tìm hiểu Protein là gì và vai trò của Protein đối với sức khỏe. Nếu như muốn sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh và ăn uống đa dạng để cơ thể không chỉ được bổ sung đầy đủ Protein mà còn có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác.
Bạn đang xem trên Website của PlansbyAnh. Nội dung bài viết này là tài liệu dùng để tham khảo, bạn hãy nghiên cứu thêm từ nhiều nguồn khác nhau. PlansbyAnh xin trân trọng cảm ơn!
Bài Viết Liên Quan:
- Các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể
- PlansbyAnh: Những cam kết trong chương trình chuyển hóa
- Xét nghiệm máu là gì? Cách đọc chỉ số xét nghiệm máu
- HLV dinh dưỡng là ai? HLV dinh dưỡng có vai trò gì?
- Các loại Thực Phẩm Chức Năng phổ biến hiện nay
- Mỡ thừa là gì? Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục?